GHI NHÃN HÀNG HÓA BẰNG PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ

Thứ sáu - 05/05/2023 16:23
        Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại, không chỉ đem lại sự phục vụ tốt hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng mà còn mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Việc xây dựng các quy định cụ thể đối với nhãn điện tử là cần thiết trong quá trình tiến tới số hóa trong quản lý sản phẩm hàng hóa. Việc sử dụng nhãn điện tử mang đến các lợi ích cho đơn vị sản xuất, nhập khẩu như sau:
         Thứ nhất, việc sử dụng nhãn điện tử giúp tinh gọn về kích thước mà vẫn truyền tải được đầy đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo quy định của pháp luật. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những loại hàng hóa có kích thước nhỏ, không đủ thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn.
        Thứ hai, nội dung thể hiện thông qua nhãn điện tử có thể cập nhật, bổ sung, sửa đổi khi có thay đổi một cách linh động, dễ dàng. Đơn vị có thể đưa lên dữ liệu dưới dạng hình ảnh, âm thanh, thậm chí là video để giới thiệu về sản phẩm giúp thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng.
         Bên cạnh đó, việc sử dụng nhãn điện tử giúp cung cấp nhiều thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa góp phần nâng cao niềm tin của khách hàng vào sản phẩm đã lựa chọn.
        Để thống nhất việc ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử, ngày 30/12/2022 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BKHCN quy định chi tiết một số nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa của một số nhóm hàng hóa bằng phương thức điện tử, theo đó:
        Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa được lựa chọn ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử hoặc lựa chọn ghi trên nhãn hàng hóa gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc ghi trong tài liệu kèm theo của hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-Cp được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
        Các thông tin sau được ghi trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc ghi trong tài liệu kèm theo của hàng hóa gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa;
       Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa đơn vị được quyền lựa chọn ghi trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc ghi trong tài liệu kèm theo của hàng hóa hoặc được quyền lựa chọn thể hiện trên nhãn bằng phương thức điện tử gồm 27 nhóm hàng hóa:
 
TT TÊN NHÓM HÀNG HÓA
1 Sản phẩm dệt, may, da, giầy (Mục 25)
2 Sản phẩm nhựa, cao su (Mục 26)
3 Giấy, bìa, cacton (Mục 27)
4 Đồ dùng giảng dạy, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm (Mục 28)
5 n phẩm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, tôn giáo (Mục 29)
6 Nhạc cụ (Mục 30)
7 Dụng cụ thể dục thể thao, máy tập thể dục thể thao (Mục 31)
8 Đồ gỗ (Mục 32)
9 Sản phẩm sành, sứ, thủy tinh (Mục 33)
10 Hàng thủ công mỹ nghệ (Mục 34)
11 Đồ gia dụng, thiết bị gia dụng (không dùng điện) (Mục 35)
12 Bạc (Mục 36)
13 Đá quý (Mục 37)
14 Vàng trang sức, mỹ nghệ (Mục 38)
15 Thiết bị bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, điện, điện tử, sản phẩm công nghệ được tân trang, làm mới (Mục 40)
16 Dụng cụ đánh bắt thủy sản (Mục 44)
17 Xe đạp (Mục 50)
18 Phụ tùng của phương tiện giao thông (Mục 51)
19 Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất (Mục 51)
20 Các sản phẩm từ dầu mỏ (Mục 52)
21 Kính mắt (Mục 58)
22 Đồng hồ (Mục 59)
23 Bỉm, băng vệ sinh, khẩu trang, bông tẩy trang, bông vệ sinh tai, giấy vệ sinh (Mục 60)
24 Bàn chải đánh răng (Mục 61)
25 Khăn ướt (Mục 62)
26 Máy móc, dụng cụ làm đẹp (Mục 63)
27 Dụng cụ, vật liệu bao gói thực phẩm (Mục 64)
(* Mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP)

       Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa khi thể hiện nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử phải đảm bảo các yêu cầu sau:
         Phương thức điện tử được thể hiện rõ đường dẫn trên nhãn hàng hóa, ví dụ: mã số mã vạch, mã QR code, trên màn hình điện tử của sản phẩm có màn hình hoặc các phương thức điện tử thông dụng khác.
        Bảo đảm phương tiện, thiết bị và/hoặc hướng dẫn khách hàng truy cập nội dung quy định bằng phương tức điện tử của nhãn hàng hóa tại chỗ.
Nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử phải tương ứng với nội dung thể hiện trên nhãn trực tiếp, không làm người đọc, xem, nghe hiểu sai lệch bản chất của hàng hóa.
 

hinh anh ghi nhan dien tu
Sử dụng phần mềm ứng dụng để kiểm tra thông tin về ghi nhãn hàng hóa

         Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử có trách nhiệm:
          Thực hiện đúng quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
          Bảo đảm có đủ công cụ, phương tiện để nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử luôn được truy cập, đăng nhập ngay, cung cấp đầy đủ nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử cho người tiêu dùng khi lựa chọn mua hàng hóa.
       Cung cấp nội dung nhãn thể hiện bằng phương thức điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu. Nếu thông tin ghi nhãn điện tử không truy cập được, thì nhãn hàng hóa là đối tượng thanh tra, kiểm tra được xác định là nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc theo quy định.
         Việc sử dụng nhãn điện tử đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai áp dụng, đây là thông tin được hiển thị qua phương tiện điện tử kết nối với hàng hóa theo chỉ dẫn cụ thể trên nhãn. Thông tư 18/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 góp phần tăng cường hiệu quả cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước đối với các sản phẩm, hàng hóa./.



Tác giả: Vũ Đình Thắng - PTP phụ trách phòng QLTCĐLCL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH
dongsen.jpg gaogiong.jpg gothap.jpg langcu.jpg langhoa.jpg
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay86
  • Tháng hiện tại1,337
  • Tổng lượt truy cập419,493
WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây