Ý nghĩa ngày Đo lường Việt Nam (20/01) và tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 74 năm tại Hưng Yên (20/01/2015-20/01/2024)

Thứ hai - 22/01/2024 14:58
Hoạt động đo lường đã và đang diễn ra hàng ngày trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng,…ở mỗi quốc gia, trên phạm vi khu vực và toàn thế giới; do đó đo lường có vai trò quan trọng trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, bảo vệ an ninh, quốc phòng. Việc áp dụng hệ đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và đây cũng là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Hưng Yên nói riêng.
Ngày 20/01/1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 08/SL quy định thống nhất đo lường nước ta theo hệ Mét - Hệ đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới. Đã 74 năm trôi qua, thời gian càng làm cho chúng ta thấy được giá trị “tầm nhìn sáng suốt” của Bác Hồ đối với công tác đo lường, một lĩnh vực chuyên ngành kỹ thuật nhưng liên quan mật thiết với khoa học, công nghệ, sản xuất và đời sống nhân dân. Sắc lệnh 08/SL đã xác định và giải quyết đúng đắn nhiều nội dung của quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta như: Đơn vị đo lường hợp pháp, quản lý việc sản xuất và sử dụng dụng cụ đo, xử phạt các vi phạm về đo lường. Sắc lệnh 08/SL chính là nền tảng, là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của ngành đo lường Việt Nam.
Theo con đường Bác Hồ đã vạch ra, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo quản lý và phát triển lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chuyên ngành rất quan trọng này, thể hiện ở những văn bản pháp luật về đo lường mà Nhà nước đã ban hành trong suốt mấy thập kỷ qua: Ngày 26/12/1964, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 186/CP ban hành Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp nối từ Hệ Mét sang Hệ đơn vị quốc tế (SI). Đây là sự kế thừa và nâng lên một tầm cao mới Sắc lệnh 08/SL; Ngày 24 và 25/9/1974, Chính phủ ban hành Nghị định số 216/CP và số 217/CP về Điều lệ quản lý đo lường chung và Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Từ năm 1975 đến năm 2000, toàn bộ hoạt động đo lường ở nước ta được quản lý trên cơ sở hai Điều lệ này.
Khi nước ta chuyển sang thời kỳ xây dựng và phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng, ngày 06/7/1990 Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh đo lường và ngày 16/07/1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký lệnh công bố Pháp lệnh này. Pháp lệnh đo lường 1990 đã thể hiện sự đổi mới công tác quản lý nhà nước về đo lường khi chuyển từ nền kinh tế tập trung - bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Để đáp ứng những yêu cầu mới về đo lường, ngày 06/10/1999 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh đo lường (sửa đổi) và ngày 18/10/1999, Chủ tịch nước đã ký công bố Pháp lệnh này. Đây chính là cơ sở để đo lường nước ta phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 08/SL (20/1/1950 - 20/1/2000), nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã có thư gửi ngành đo lường Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và động viên, khuyến khích sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác đo lường; đồng thời ân cần nhắc nhở ngành đo lường Việt Nam: “Phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà, làm cho nước mạnh, dân giàu. Phải góp sức làm cho khoa học - kỹ thuật, cho nền sản xuất nước ta vững vàng tiến vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ mới”.
Ghi nhận vai trò và tầm quan trọng của công tác đo lường cũng như sự đóng góp của ngành đo lường Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 11/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20 tháng 01 hàng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 08/SL về đo lường (20/1/1950) là Ngày đo lường Việt Nam. Ngày Đo lường Việt Nam (20/01) hàng năm đã thực sự trở thành ngày truyền thống, đoàn kết, gắn bó thân thiết của tất cả những người làm công tác đo lường trong cả nước và là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh, động viên, khuyển khích các cán bộ làm công tác đo lường và thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường nước ta ngày càng phát triển, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một dấu mốc lịch sử đối với đo lường nước ta là ngày 11/11/2011, Quốc hội (khoá 13) đã thông qua Luật Đo lường. Đây là văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về đo lường. Luật đã thể hiện những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ đo lường phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Luật Đo lường có hiệu lực từ ngày 01/07/2012. Nghị định 86/2012/NĐ- CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường làm cơ sở để quản lý và phát triển đo lường nước ta trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Hiện nay, hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam tương thích với các tổ chức đo lường quốc tế như: Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC),…Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo… Đây là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, nhu cầu của doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế. 
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030” (gọi tắt là Đề án 996) nhằm: (1) Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; (2) Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; (3) Thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… Đề án 996 đưa ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 50.000 doanh nghiệp; triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường; đến năm 2030, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 100.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường. Đề án 996 còn có những mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. 
Tại Hưng Yên, thực hiện Đề án 996 và các Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 17/10/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tỉnh Hưng Yên phù hợp với điều kiện của địa phương.
Năm 2024, toàn ngành đo lường Việt Nam đón chào kỷ niệm 74 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 8/SL cũng là kỷ niệm 23 năm Ngày đo lường Việt Nam. Ngày 21/12/2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Văn bản số 4296/TĐC-ĐL về việc Kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam năm 2024. Tổng cục đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố xem xét tổ chức hoặc chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về hoạt động đo lường đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến tại các hội nghị, hội thảo, đưa tin, bài trên báo chí, truyền hình… với một số nội dung như: Ý nghĩa của ngày Đo lường Việt Nam (20/01/); Tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đo lường và hoạt động đo lường của các cơ quan tổ chức, cá nhân trên địa bàn; Tình hình triển khai Quyết định 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đo lường, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường; Tuyên truyền về Luật Đo lường và các Nghị định hướng dẫn có liên quan; Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030”, Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN ngày 18/7/2023 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường” và văn bản đo lường khác có liên quan.
Ngày 09/01/2024, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên đã ban hành các văn bản triển khai các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày Đo lường Việt Nam (20/01/1950 – 20/01/2024): Kế hoạch số 04/KH-SKHCN triển khai thực hiện Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 17/10/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tỉnh Hưng Yên năm 2024; Kế hoạch số 05/KH-SKHCN tổ chức Tọa đàm khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Văn Giang”; Công văn số 13/SKHCN-TĐC về việc phối hợp tuyên truyền kỷ niệm 74 năm Ngày Đo lường Việt Nam (20/01/1950 – 20/01/2024) gửi các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Hội, Liên hiệp Hội tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động kiểm soát đo lường (sản xuất hàng đóng gói sẵn), sử dụng nhiều thiết bị, phương tiện đo (như công ty điện lực Hưng Yên, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hưng Yên; Chi nhánh Công ty cổ phần xăng dầu, dầu khí Thái Bình tại Hưng Yên, các công ty sản xuất kinh doanh nước sạch,…).
Nhân dịp chào mừng Ngày Đo lường Việt Nam (20/01) năm 2024 và kỷ niệm 74 năm (20/01/1950 - 20/01/2024). Tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hưng Yên phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tăng cường hoạt động đo lường để phát triển Hạ tầng chất lượng của tỉnh và quốc gia; ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng để góp phần đem lại sự công bằng, văn minh trong lĩnh vực thương mại, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cùng với những người sản xuất, kinh doanh chân chính./.     
Đào Mạnh Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH
dongsen.jpg gaogiong.jpg gothap.jpg langcu.jpg langhoa.jpg
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay405
  • Tháng hiện tại2,979
  • Tổng lượt truy cập421,135
WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây