Hướng đến “Ngày Đo lường Việt Nam 20/01” năm 2023

Thứ tư - 18/01/2023 07:52
Cách đây 73 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL quy định thống nhất đo lường nước ta theo Hệ mét. Dấu mốc này đã có tác động to lớn đến công tác đo lường, một lĩnh vực chuyên ngành nhưng liên quan mật thiết với khoa học - kỹ thuật, sản xuất và đời sống của người dân nước ta. Sắc lệnh 08/SL đã xác định và giải quyết đúng đắn nhiều nội dung của quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta thời kỳ đó như: xác định đơn vị đo lường hợp pháp, quản lý việc sản xuất và sử dụng thiết bị, dụng cụ đo, xử phạt các vi phạm về đo lường. Sắc lệnh 08/SL chính là nền tảng, là điểm xuất phát của sự ra đời và trưởng thành của Ngành Đo lường nước ta.
Ngành Đo lường là ngành khoa học - kỹ thuật chính xác, có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, đời sống, quốc phòng và nghiên cứu khoa học. Không có khoa học - kỹ thuật đo lường chính xác, chúng ta sẽ không có sản phẩm đạt chất luợng cao, không đảm bảo độ chính xác và tin cậy trong điều tra cơ bản, sẽ không thúc đẩy được hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển và do vậy không thể đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế quốc dân. Để ghi nhận những đóng góp của Ngành Đo lường Việt Nam, động viên đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và tất cả những người đã và đang làm việc, hoạt động trong lĩnh vực đo lường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg ngày 11/10/2001 lấy ngày 20/1 hằng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 08/SL về đo lường, làm “Ngày Đo lường Việt Nam”.
1
Hình minh họa: Giải pháp Trạm xăng dầu thông minh đảm bảo đo lường chính xác
Ngay sau khi Sắc lệnh 08/SL được Bác Hồ ký ban hành, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác quản lý, phát triển lĩnh vực khoa học - kỹ thuật đo lường, thể hiện ở những văn bản luật pháp về đo lường mà Nhà nước đã ban hành trong suốt hơn 7 thập kỷ qua: Ngày 26/12/1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định 186/CP ban hành Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tiếp nối từ Hệ mét sang Hệ đơn vị quốc tế (SI). Đây là sự kế thừa và nâng lên một tầm cao mới Sắc lệnh 08/SL; Ngày 24 và 25/9/1974 Chính phủ ban hành Nghị định 216/CP và 217/CP về Điều lệ quản lý đo lường chung và Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Từ năm 1975 đến năm 2000, toàn bộ hoạt động đo lường ở nước ta được quản lý trên cơ sở hai Điều lệ này. Để đáp ứng những yêu cầu mới về đo lường, ngày 06/10/1999 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Khóa 10) thông qua Pháp lệnh đo lường số 16/1999/PL-UBTVQH10. Đây chính là cơ sở để đo lường nước ta phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Đến ngày 11/11/2011, Quốc hội (Khoá 13) thông qua Luật Đo lường số 04/2011/QH13. Đây là văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về đo lường. Luật Đo lường đã thể hiện những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ đo lường phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Luật Đo lường có hiệu lực trên phạm vi cả nước kể từ ngày 01/7/2012 đến nay.
Để thực thi Luật Đo lường số 04/2011/QH13 và tạo hành lang pháp lý cho Ngành Đo lường phát triển, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều văn bản pháp quy quan trọng như: Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022); Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021); Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo lường làm cơ sở để quản lý và phát triển hiệu quả các hoạt động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập quốc tế về đo lường. Bên cạnh đó, vấn đề hội nhập quốc tế đòi hỏi ngành đo lường cùng với công tác tiêu chuẩn và chứng nhận phù hợp tiếp tục phát triển mạnh mẽ để góp phần xóa bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại. Hiện nay, nước ta đã là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế về đo lường như: OIML (International Organization of Legal Metrology - Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế), Công ước Mét, Chương trình Đo lường Châu Á - Thái Bình Dương (APMP), Diễn đàn Đo lường pháp định Châu Á - Thái Bình Dương (APLMF).
Tại Hưng Yên, công tác quản lý về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả từ các sở, ban, ngành, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp. Ngày 17/10/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tỉnh Hưng Yên. Kế hoạch số 129/KH-UBND đã đề ra 04 nhóm mục tiêu cụ thể và 05 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuẩn hóa năng lực cho các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; đẩy mạnh xã hội hóa huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về đo lường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua, công tác quản lý đo lường tại Hưng Yên đã đạt được thành quả nhất định, góp phần vào phát triển KT-XH; đo lường chính xác đảm bảo công bằng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng, một số kết quả tiêu biểu đã thực hiện trong năm 2022:
Về công tác phổ biến văn bản quản lý đo lường: Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kịp thời triển khai, hướng dẫn Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường; Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BKHCN ngày 11/10/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về đo lường. Ngoài ra, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện in, treo băng rôn tuyên truyền kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam (20/1) năm 2022-2023 tại trụ sở cơ quan, các tuyến đường trung tâm thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, các huyện và một số doanh nghiệp sử dụng nhiều phương tiện đo (kinh doanh điện, xăng dầu, nước sạch, chợ và TTTM) trên địa bàn tỉnh.
Về đào tạo, tập huấn: Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cử 04 cán bộ, chuyên viên tham gia khóa đào tạo Chuyên gia đánh giá trưởng ISO 9001:2015; 03 cán bộ, chuyên viên tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường và 01 chuyên viên tham gia lớp Tổng quan về Đề án 996 và hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN.
Về triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo đo lường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa: Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, giao Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì, phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức 01 lớp đào tạo “kiểm tra, hiệu chuẩn phương tiện đo sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” và 02 lớp tập huấn “đảm bảo đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn; phép đo trong thương mại bán lẻ” cho trên 200 học viên đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng đóng gói sẵn, sử dụng nhiều phương tiện đo và ban quản lý chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn 01 doanh nghiệp (công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình) tham gia Chương trình đảm bảo đo lường theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ KH&CN.
Về phát triển mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường: Hiện tại, tỉnh Hưng Yên đã có 02 đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được Tổng cục cấp giấy chứng nhận và quyết định chỉ định gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Thí nghiệm điện Hưng Yên trực thuộc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện Miền Bắc.
Để phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (gọi tắt là Trung tâm) đã được Tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống trang thiết bị, chuẩn đo lường nhằm nâng cao năng thực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo; Trung tâm đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Quyết định số 815/QĐ-TĐC ngày 12/5/2022 về việc kiểm định đối chứng công tơ điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Quyết định số 1937/QĐ-TĐC ngày 27/10/2021 về việc chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đối với 20 lĩnh vực kiểm định và 01 lĩnh vực hiệu chuẩn. Năm 2022, Trung tâm tiếp tục bảo quản, duy trì hiệu lực kiểm định, hiệu chuẩn các chuẩn đo lường đảm bảo năng lực pháp luật theo quy định, cụ thể: đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ với 01 bộ chuẩn X-quang, 02 bộ quả cân chuẩn F2, 01 bộ quả cân chuẩn F1; 03 chuẩn áp kế; điện tim, điện não; chuẩn thước mét, thước góc vuông; bộ căn mẫu, bộ căn mẫu kiểm tra sai số; 02 bàn kiểm định công tơ điện 1 pha 24 vị trí; 02 bàn kiểm định công tơ điện 3 pha 6 vị trí; 01 thiết bị đo điện trở tiếp đất; 01 thiết bị điện trở cách điện; 02 thiết bị Megomet; 24 tấn quả cân M1, M2; 01 máy quang phổ hấp thụ nguyên tử và nhiệt độ (AAS); 01 cân điện tử XPE 208 (max 81 g/220 g, d= 0.00001 g/0.0001 g); 01 cân điện tử XPE 3003S (max: 3100 g, d= 0.001 g ); 01 cân điện tử XPE 2002S (max: 2100 g, d= 0.01 g). Đồng thời, Trung tâm tiếp tục nhận bàn giao trang thiết bị, chuẩn đo lường mới gồm 09 thiết bị, trong đó: có 03 thiết bị ở lĩnh vực nhiệt (lĩnh vực mới), 06 thiết bị bổ sung thêm cho các lĩnh vực đã được công nhận năng lực. Năm 2022, Trung tâm đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn được 13.208 PTĐ các loại, loại bỏ 553 PTĐ không đạt yêu cầu và cấp tem và giấy chứng nhận kiểm định cho 12.655 PTĐ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đo lường phục vụ sản xuất giao nhận, thanh toán an toàn trong sản xuất và khám chữa bệnh cho nhân dân.
1
1
Ảnh: Hệ thống chuẩn kiểm định đồng hồ nước lạnh và công tơ điện tại Trung tâm KT TCĐLCL Hưng Yên
Hướng đến “Ngày Đo lường Việt Nam 20/01” năm 2023, với sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và được sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong lĩnh vực đo lường của tỉnh Hưng Yên tự hào về những gì đã làm được và tin tưởng rằng trong năm 2023 toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong ngành khoa học và công nghệ nói chung và đang làm về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực và đem hết khả năng của mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19, phấn đấu đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp, hiện đại trong thời gian tới./.
 
Người viết: Đào Mạnh Hùng – Phó chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL HY

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH
dongsen.jpg gaogiong.jpg gothap.jpg langcu.jpg langhoa.jpg
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,828
  • Tháng hiện tại11,276
  • Tổng lượt truy cập547,340
WEBSITE CÁC ĐƠN VỊ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây