Để xây dựng chính quyền địa phương dân chủ, kiến tạo phát triển trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước cần tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; chú trọng triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2015 vào tất cả các hoạt động trong từng cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước (HCNN). Đồng thời phải đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện của cải cách hành chính (CCHC) thể hiện rõ nhất ở Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã được ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ.
Hiện nay, việc xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đã trở thành công cụ hữu hiệu, phổ biến cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống HCNN. Việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống HCNN được kết hợp với thủ tục hành chính “một cửa”, “một cửa liên thông” và công nghệ thông tin, số hóa quy trình, thủ tục đã tạo nên hiệu quả rất cao, có tính chất cộng hưởng; là một trong những biện pháp thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ. Tuy nhiên, việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg mới chỉ áp dụng chủ yếu cho hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và tại cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống HCNN. Trong khi đó, lĩnh vực hành chính công còn bao gồm cả việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ công, đồng thời triển khai tại các cơ quan, đơn vị liên quan khác ngoài cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống HCNN như tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức, hội, hiệp hội,…
Hình minh họa: Xây dựng chính quyền số lấy ISO làm trung tâm
Để tiếp tục nâng cao hoạt động của chính quyền địa phương, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 18091:2019 - Hệ thống quản lý chất lượng - Hướng dẫn áp dụng ISO 9001:2015 tại chính quyền địa phương. Tiêu chuẩn này cũng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận ban hành thành TCVN ISO 18091:2020. Theo tiêu chuẩn này, một trong những thách thức lớn mà xã hội đang đối mặt hiện nay là nhu cầu xây dựng và duy trì lòng tin của công dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền. TCVN ISO 18091:2020 mang lại sự phát triển bền vững cho chính quyền địa phương thông qua 04 trụ cột: (1) xây dựng thể chế; (2) phát triển kinh tế bền vững; (3) phát triển xã hội toàn diện; (4) phát triển môi trường bền vững với 39 chỉ số. Theo đó, tổ chức, công dân mong đợi chính quyền địa phương cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao, ví dụ như: sự an toàn và an ninh, các đường phố, giao thông công cộng được duy trì trong tình trạng tốt, việc xử lý giấy tờ hiệu quả, sự minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin chung, sức khoẻ, giáo dục và cơ sở hạ tầng... được chính quyền địa phương đại diện và bảo vệ hoặc nâng cao đời sống cho mình.
Đây là tiêu chuẩn mới nên phải nghiên cứu, tìm hiểu để đề xuất cách thức triển khai áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 phù hợp với Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015. Từ đó, góp phần cải tiến kết quả thực hiện của chính quyền địa phương có thể kích thích hệ thống tổng thể của Chính phủ trong việc cung cấp kết quả dịch vụ công tốt hơn. Áp dụng cách tiếp cận nhất quán xuyên suốt của chính quyền có thể giúp tạo ra chính quyền tin cậy và vững mạnh ở địa phương.
Xem chi tiết Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại website: tdchungyen.gov.vn.
Người viết: Đào Mạnh Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL