Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn khởi nghiệp hạn chế vẫn sử dụng công nghệ máy móc cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Điều này cho thấy, doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới máy móc và trang thiết bị hiện đại để duy trì và nâng cao năng suất. Việc đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị cần quan tâm đến hoạt động chuyển giao từ các nước phát triển và hoạt động R&D. Việc chuyển giao công nghệ có thể thực hiện thông qua các hoạt động FDI, nhập khẩu công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị mới…
Một trong những nguyên nhân gây cản trở năng suất trong doanh nghiệp của Việt Nam là do phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất, năng lực cạnh tranh kém, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn.
Theo đó, doanh nghiệp có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Tăng cường liên kết, hợp tác tốt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân cản trở tăng năng suất trong doanh nghiệp ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế tăng dần qua các năm, trong đó năm 2015 là 20,4%; năm 2018 là 22,0% và đến năm 2020 đạt 24,1%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá thấp so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng vì đó là một trong những hoạt động có tác động đến chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Do đó cần xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao kỹ năng chuyên môn làm việc; đồng thời thúc đẩy việc nhân viên tự tìm tòi, học hỏi và tự nâng cao trình độ bản thân thông qua các khóa đào tạo trực tuyến, mạng internet và tạo môi trường học tập ngay tại doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trong quản lý nhân sự vì đó chính là cách để tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả hoạt động quản lý, thúc đẩy nhân viên hòa nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ngày một tăng, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác, nâng cao chất lượng sản phẩm tăng thêm giá trị và giá trị sử dụng của sản phẩm. Đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu đúng quy cách, chủng loại, chất lượng, thời gian vận chuyển và bảo quản; áp dụng các biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện đại; nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên trong việc quản lý chất lượng sản phẩm.
VietQ.vnÝ kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn